Trẻ con đi học, còn #NgườiLớnĐiLàm và ai đi làm cũng có những câu chuyện. The Millennials Life và Digikigai sẽ cùng “người lớn” kể lại những mảnh ghép đó.
Trong thời điểm Covid 19 bùng phát, khái niệm “VUCA” đang trở nên phổ biến như một thuật ngữ để chỉ các khía cạnh khác nhau của môi trường ‘không thể kiểm soát’. VUCA là viết tắt của Volatility (Sự biến động), Uncertainty (Sự không chắc chắn), Complexity (Độ phức tạp) và Ambiguity (Sự mơ hồ). Những ảnh Hưởng của đại dịch đã một lần nữa đặt thế giới vào tình trạng “VUCA” kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009. Chính vì thế, đây cũng là thời điểm chúng ta nghe thấy rất nhiều các khái niệm liên quan đến data, Agile Mindset.
Với nhiều chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ, đây đều là những mỏ vàng trong thời đại số. Tầm quan trọng của kho dữ liệu phủ bóng lên hầu hết mọi lĩnh vực trong đời sống hiện nay. Đặc biệt, dưới góc nhìn của anh Triều Nguyễn (CEO của PrimeData, và co-founder của YouNet), để tận dụng dữ liệu một cách tối ưu cần có tư duy nhanh nhạy, thích ứng kịp thời với những thay đổi của thời cuộc.
Anh Triều Nguyễn đã 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh kỹ thuật số, tham gia sáng lập và dẫn dắt nhiều doanh nghiệp trong mảng công nghệ, nền tảng dữ liệu, tư vấn kỹ thuật số. Anh hiện đang là Đồng sáng lập và là CEO của PrimeData, nền tảng tiên phong về dữ liệu khách hàng và eXperience.
1. Với quan điểm của anh Triều Nguyễn, Agile Mindset – Tư duy nhạy bén được hiểu như thế nào và vì sao gần đây mọi người hay nhắc nhiều đến nó?
Đối với các công việc liên quan đến phần mềm thì “Agile” là một phương pháp luận đề cập đến việc phát triển Software. Tuy nhiên “Aglie” mà anh muốn nói đến sẽ tập trung vào việc vận hành một tổ chức nói chung cũng như hành trình thay đổi bản thân của mỗi cá nhân nói riêng. Nói một cách nôm na, dễ hiểu thì Agile là tư duy về 3 vấn đề cốt lõi: (1) cộng tác, (2) học hỏi và (3) phát triển. Để làm được điều này, những người có Agile Mindset cần phải chấp nhận rủi ro, chào đón những điều mới mẻ, sẵn sàng thử nghiệm và dám thất bại để tìm được đáp án cho thành công. Sẽ không ai đưa cho bạn công thức thành công riêng nếu bản thân mình không vừa học hỏi vừa thử nghiệm.
2. Có một số ý kiến cho rằng, sự nhanh nhẹn của một tổ chức hầu hết phụ thuộc vào sự nhanh nhẹn của nhân viên vì họ là người trực tiếp tham gia vào quá trình vận hành của công ty? Anh Triều Nguyễn nghĩ sao về ý kiến này?
Agile Mindset của một tổ chức phải đi từ trên xuống dưới. Sự hiệu quả của một doanh nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào văn hoá công ty, môi trường làm việc. Do đó, để mọi thứ có thể hoạt vận hành tốt, lãnh đạo phải là người nắm rõ nhất phương pháp tư duy này. Chúng ta có thể yêu cầu nhân viên phải có tinh thần hợp tác, học hỏi… tuy nhiên nếu người quản lý không thiết lập được văn hoá cũng như có những hướng dẫn và quy trình làm việc hợp lý, nhân viên rất khó để có thể phát huy những ưu điểm vốn có của mình.
Có rất nhiều tổ chức gặp khó khăn trong việc hình thành Agile Mindset bởi bản thân lãnh đạo và người quản lý chưa có phương pháp quản trị đúng, cởi mở và táo bạo với các sáng kiến mới. Điều này cũng có thể tạo ra những rào cản cho các bạn nhân viên có sự sáng tạo, sẵn sàng thử nguyện cái mới, khiến các bạn trở nên lúng túng, e dè hơn. Do đó, việc có một người hướng dẫn, đưa đường chỉ lối, giúp các bạn ứng dụng những lối tư duy đúng đắn vào công việc là điều vô cùng cần thiết.
3. Gần đây có rất nhiều các doanh nghiệp thực hiện Digital Transformation, vậy để có thể hoàn thiện được điều này, anh Triều Nguyễn cho rằng sẽ cần bao nhiêu thời gian và lộ trình để doanh nghiệp chuyển mình sẽ bao gồm các bước nào?
Để có thể thực hiện Digital Transformtion, chắc chắn chúng ta sẽ cần sự hỗ trợ của các chuyên gia. Quá trình này cần phải đi từ việc thay đổi tư duy của lãnh đạo, bao gồm các buổi thảo luận, khảo sát mức độ hiệu quả của quá trình chuyển đổi. Hoạt động này sẽ kéo dài từ 1- 4 ngày, với sự tham gia của các cấp quản lý. Sau khi trả lời được câu hỏi như: “Tại sao mình phải có Agile?”; “tại sao ta cần phải thay đổi?”; “chúng ta sẽ thu được những hiệu quả phát triển gì?” Những người đi đầu sẽ bắt đầu đào tạo, định hình tư duy mới, thu thập các casestudy và tiến hành mở rộng hoạt động này đến với toàn bộ tổ chức. Đối với các tập đoàn, công ty lớn, quá trình này có thể mất đến một năm. Các công ty nhỏ có thể đi nhanh hơn nhờ sự tinh gọn.
4. Chủ đề của chúng ta là Data & Agile. Vậy theo anh Triều mối quan hệ của Tư duy nhạy bén và sử dụng dữ liệu là gì? Giữa việc đầu tư vào Data và xây dựng Agile Mindset cho đội ngũ, theo anh điều gì sẽ quan trọng hơn?
Ở đây, chúng ta cần phải làm rõ hơn khái niệm chuyển đổi số. Digital Transformtion là mơ ước biến một công ty có những hoạt động rời rạc, cảm tính, phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm trở thành một tổ chức có thể đưa ra quyết định dựa trên yếu tố khách quan như: các con số, dữ liệu thực tế, thông tin trong ngành. Các yếu tố cốt lõi để làm nên điều đấy sẽ bao gồm một đội ngũ có tư duy và kỹ năng phù hợp, kết hợp với một tổ chức có quy trình hiệu quả. Ví dụ như khi ta có tư duy, song lại thiếu những phương pháp làm việc đúng đắn thì mỗi cá nhân cũng như tổ chức sẽ không thể phát huy tối đa chất lượng làm việc của mình. Do đó, khi chuyển đổi sang mô hình Agile, các tổ chức có thể xây dựng đội ngũ với đầy đủ các vai trò, gắn bó chặt chẽ với nhau.
Để dễ hiểu, hãy thử tưởng tượng với một đội ngũ phát triển về Retail marketing, ta sẽ có data analyst, tech expert, marketing expert, communication expert, những nhân sự này sẽ liên kết các đầu mối công việc, tạo nên một nền móng được xây dựng chặt chẽ để phát triển dự án thay vì những hoạt động tách biệt, khiến chúng ta liên tưởng để hai bác hàng xóm phải mở cửa để cung cấp nguyên liệu, hàng hóa cho nhau.
Đây chính là phương pháp làm việc đúng tiêu chí của Agile bao gồm: Hợp tác, thử nghiệm và phát triển.
Tư duy là vậy, song trong thực tế, nếu thiếu sự hỗ trợ của công nghệ và data, việc vận hành bộ máy này sẽ là một bài toán không đủ dữ liệu để giải. Ví dụ với một công ty bán lẻ, sau khi có một team vận hành ổn định, data sẽ giúp chúng ta đo lường và dự đoán kết quả cuối cùng, đưa ra các giả định về marketing trước khi quyết định thực thi một chiến dịch bất kỳ. Nói tóm lại, tư duy nhạy bén và sử dụng dữ liệu là một mối quan hệ cộng sinh, giúp chúng ta vận hành hiệu quả, loại bỏ các giả định sai và giảm thiểu rủi ro.
5. Theo anh Triều Nguyễn trong thị trường hiện nay, đâu là ngành cần dữ liệu nhiều nhất và liệu có ngành nào không cần quá đầu tư vào data họ vẫn có thể tồn tại và phát triển?
Những công ty như Bảo hiểm, bất động sản, tài chính nói chung (finance institution) đều không sở hữu lượng data quá đồ sộ. Họ sẽ sử dụng những dữ liệu này nhằm tư vấn, vận hành, phục vụ khách hàng. Một số công ty khác hoạt động theo mô hình bán hàng trực tiếp B2C, B2B2C sẽ sở hữu nhiều data hơn. Chính vì vậy, dữ liệu là tài sản mà bất cứ công ty, ngành nghề nào cũng có và cũng cần, có chăng là khối lượng và cách sử dụng những dữ liệu đó là khác nhau.
Tuy nhiên, không phải cứ có một núi data thì doanh nghiệp mới dễ dàng phát triển. Đôi khi, tổ chức chỉ cần sở hữu khoảng 7- 10 mô hình dữ liệu như: data khách hàng tiềm năng, khách hàng rời bỏ, khách hàng phù hợp là đã có thể vận hành hiệu quả. Ngược lại, có rất nhiều doanh nghiệp như thực phẩm, quần áo, hàng điện tử có một kho dữ liệu rất lớn, nhưng không phải ai cũng biết tận dụng triệt để nguồn tài nguyên đó. Vì thế, cách sử dụng data quan trọng hơn so với số lượng dữ liệu data.
Trên thực tế, các doanh nghiệp hiện nay đều sở hữu một kho dữ liệu rất lớn, nhưng ít ai có thể thấy vẻ đẹp của tài nguyên này và khai thác nó một cách đúng đắn. Do đó, sự xuất hiện của các chuyên gia là vô cùng cần thiết để mỗi ngành nghề, tổ chức có thể biết được mình cần một kho dữ liệu có quy mô tầm nào và ứng dụng nó vào việc phát triển ra sao.
6. Dữ liệu là mỏ vàng của doanh nghiệp, vậy giữa các doanh nghiệp có cạnh tranh gay gắt về dữ liệu hay không? Và làm cách nào để chiếm được ưu thế trong cuộc cạnh tranh này?
Như đã nói ở trên, dữ liệu mà mỗi doanh nghiệp sở hữu là rất nhiều, nhưng chúng ta chưa biết cách tận dụng tối đa các công dụng của data. Từ các hoạt động về sale, communication, marketing, chúng ta sẽ thu được “1st party data” rất lớn. Ngoài ra ta còn có “2nd party data” và “3rd party data” là những dữ liệu đến từ phía đối tác hoặc mua bên thứ ba.
Trong ba loại data này, loại đầu tiên là cần phải quan tâm nhất. Loại 2 và 3 là loại bổ sung. Do đó, doanh nghiệp không cạnh tranh với người khác về data, mà phải cạnh tranh với chính bản thân mình để tối ưu khối tài sản này.
7. Anh Triều Nguyễn có thể giải thích về khái niệm “Experience” được dùng khi giới thiệu về PrimeData?
Mọi người đều hay nói về Customer Experience.
Tạo được một kho dữ liệu tốt cũng giống như xây dựng được một nền tảng vững chắc cho ngôi nhà. Sau khi đó, ta cần phải trang trí cho ngôi nhà đó đẹp hơn – đây chính là trải nghiệm khách hàng. Đó là cả quá trình cảm nhận của người dùng ngay từ lúc thấy brand, tìm hiểu và lựa chọn sản phẩm.
Ví dụ, để đưa ra những nội dung phù hợp, thu hút được khách hàng, ta sẽ cần thông qua các công cụ nghiên cứu để tìm hiểu xem người dùng hiện nay đang quan tâm đến xu hướng, nội dung gì? Sau đó, ta sẽ cần phải làm sao để những nội dung vừa được xây dựng có thể khiến người xem quyết định sử dụng sản phẩm. Khi tập trung theo dõi trải nghiệm của khách hàng, ta sẽ phân loại được rằng đâu là nội dung thú vị, đâu là nội dung vừa hấp dẫn vừa thuyết phục được khách mua hàng. Bước tiếp theo, có thể doanh nghiệp sẽ phải tập trung vào trải nghiệm trên website, để làm sao khách hàng cảm thấy giao diện website đẹp mắt, dễ dàng sử dụng, thuận tiện khi thực hiện các thao tác thanh toán… Và, nhờ các hệ thống theo dõi hành vi khách hàng trong suốt hành trình số (online) và offline, như CDP (Customer Data Platform), EP (Experience Platform) và tự động hoá tiếp thị… sẽ giúp doanh nghiệp dự đoán được phân khúc nào tiềm năng, sản phẩm loại nào, tầm giá bao nhiêu sẽ phù hợp với từng nhóm khách hàng.
Những dẫn chứng trên là ví dụ cho thấy, một nền tảng dữ liệu chăm sóc khách hàng tốt không thể chỉ tập trung và data mà còn phải khiến cho trải nghiệm của người dùng tối ưu hơn. Quá trình này sẽ giúp tăng lượng người tiếp cận với sản phẩm, đẩy tỉ lệ chuyển đổi lên cao hơn. “Exprience” là một vấn đề cốt lõi, giá trị cuối cùng mà doanh nghiệp cần đạt được.
8. Anh Triều Nguyễn có lời khuyên gì cho các bạn trẻ về việc trau dồi kỹ năng hay kiến thức để có thể bắt kịp các xu hướng về data trong lĩnh vực công nghệ? Và đâu là những công việc liên quan đến Dữ liệu sẽ được các doanh nghiệp săn đón trong thời gian tới?
Data và AI là nền tảng hoạt đoạt của cả hiện tại lẫn tương lai trong 10 năm nữa. Do đó, khi làm việc trong các doanh nghiệp, chúng ta cần phải có những kiến thức, kỹ năng cụ thể về Data nếu không muốn bị đào thải. Điều quan trọng là mỗi người phải phá bỏ được các rào cản tâm lý và dẹp đi nỗi sợ rằng data là một ngành khó rắc rối, khó học.
Các doanh nghiệp hiện đang rất cần những Business Analyst. Đây là những bạn có kiến thức về toán học, kinh tế và là cầu nối để chuyển đổi ý tưởng kinh doanh thành những thông tin, tài liệu, giải pháp của technology và data.
Cao hơn nữa là Data Analyst – các bạn thuần về phân tích dữ liệu và mảng thống kê học. Ở cấp độ này, các bạn trẻ cũng sẽ không gặp phải các yêu cầu quá cao về trình độ khoa học máy tính.
Cấp độ thứ 3 là Data Engineer & Data Scientist: Các bạn sẽ kết hợp với nhau để vừa có thể tạo ra phần mềm trong việc xử lý dữ liệu, vừa xây dựng mô hình chuẩn đoán dữ liệu. Nhóm này sẽ làm việc theo cả phương pháp thống kê học lẫn machine learning. Vì thế, dù không phải dân kỹ thuật, dân data, ta vẫn cần phải học cách để đọc dữ liệu. Ví dụ như ngay cả khi làm brand communication, chúng ta vẫn cần phải biết đọc báo cáo, đọc các con số thống kê để phục vụ cho việc tìm hiểu hành vi, thói quen, lối sống, năng lực tài chính của khách hàng.
9. 3 quyển sách / tác giả mà anh Triều Nguyễn tâm đắc và yêu thích nhất có thể chia sẻ đến với các bạn đọc?
Anh là người đi theo tinh thần của Agile, do đó, anh sẽ chỉ học những gì mình cần trong mỗi giai đoạn.
Khi đọc sách, anh thường chỉ tập trung vào việc đọc một trong những phần quan trọng hoặc chủ động nghiên cứu các kiến thức mà mình quan tâm bằng việc tìm kiếm trực tiếp trên mạng. Bên cạnh đó, anh cũng thường sẽ học từ khách hàng, đồng nghiệp và các môi trường thực chiến thực tế.
Tuy nhiên, nếu phải gợi ý những cuốn sách anh tâm đắc, anh sẽ lựa chọn 2 đầu sách là: Cuộc Cách Mạng Nền Tảng – Platform Revolution và Tiểu sử của Steve Jobs. Đây là 2 cuốn sách mà anh tin rằng có thể đem đến cho các bạn rất nhiều kiến thức về chuyển đổi số cũng như khơi gợi cảm hứng để làm việc.
Nội dung: Fireside Chat with Expert: Data and Agility Mindset in Marketing and Business
Nguồn tham khảo: https://themillennials.life/ceo-trieu-nguyen-agile-mindset-va-su-dung-du-lieu/